Người Thương Binh - Vũ Bôi.

Tuy mặt thằng bé lem luốc dơ bẩn nhưng nếu ai để ý kỹ vẫn thấy được làn da mịn màng trắng trẻo ẩn hiện sau một lớp bụi dày. Thằng bé cũng có đôi mắt long lanh trong sáng như hai hòn ngọc nhỏ, nhất là khi nó dáo dát ngóng nhìn những người chung quanh mong người ta cho cha con nó được nhiều tiền.





Sau khi lượm nhặt vài tờ giấy bạc rơi ngoài nón đưa cho cha nó, nó lại cười một cách hồn nhiên nghêu nghao hát theo ông những bài hát quen thuộc của những người hành khất đang đi xin ăn trên khắp mọi nẻo đường của Sài-gòn. Mặc dù nó không hiểu những lời lẽ của bài hát, nhưng nó cảm thấy chắc phải là những lời ca hay vì mỗi lần nó hát người ta cho nó nhiều tiền hơn, và đôi khi vài người cũng vỗ tay khen ngợi, rồi thầm thì với nhau tội nghiệp cho một thằng bé trông bụ-bẫm như vậy mà lại là con của một kẻ ăn mày. Sắp đến ngày Tết, cho nên phố xá có đông người qua lại. Người ta lũ lượt kéo nhau đi sắm sửa để chào đón xuân sang. Trời cũng đã gần về chiều nên xe cộ qua lại càng tấp nập hơn. Một vài nơi đèn đường cũng bắt đầu thắp sáng. Sau khi ăn miếng bánh cha nó mới vừa mua của bà bán hàng dạo kế bên, thằng bé ngủ thiếp đi trong dòng người qua lại. Vừa đắp cái chăn cho thằng bé xong thì người hành khất với nhiều thương tích hiện rõ trên da thịt cũng bắt đầu hát lại những bài hát mà thằng bé vừa mới hát xong để mong người ta chú ý đến tình cảnh của cha con anh. Không cần nói ai cũng nghĩ rằng anh là một thương binh, không những do những vết thương vẫn còn in hằng trên mặt và chân tay mà còn do nét trẻ trung cương nghị của một con người tuy rằng đã bị tàn phế hơn nữa thân người. Thật sự anh là một thương binh. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy anh phải lăn lộn nơi đầu đường xó chợ để ăn xin là điều chẳng đặng đừng mà anh vẫn còn ray-rức trong lòng nhiều đêm không chợp mắt. Có lẽ đêm đã về khuya, vì dòng người qua lại cũng bắt đầu thưa dần nhanh chóng. Thằng bé cựa mình sau một giấc ngủ dài, nhưng nó chỉ xoay người qua hướng trong rồi tiếp tục ngủ yên trong giấc mộng thơ ngây còn phảng-phất trong từng hơi thở. Người thương binh sau khi dọn dẹp chiếc máy hát cùng những vật dụng mang theo thì cũng ngã lưng ngay bên thằng bé, mắt nhìn đăm-đăm vào khoảng trời đen như tưởng nhớ những gì đã xảy đến cho anh trong thời gian cũng chỉ hơn một năm qua. Lẩm-bẩm một mình trong đêm anh hát lại những lời ca quen thuộc mà anh nhớ trước đây anh cũng rất thích lắng nghe. Đó là những ngày tháng anh còn ở trong nhà mẹ vợ, cùng với người vợ và đứa con thơ, mà bây giờ nó phải theo anh để đi hát dạo xin tiền mà sống. Thời gian mới hơn một năm mà tưởng chừng như dài đăng-đẳng xa xôi.

Nằm một mình ở phía sau cái nhà kho dùng để chứa những đồ phế thải, anh lắng nghe bài dân ca thương binh của những ngày tiền chiến mà anh ưa thích. Anh cứ nghe tới nghe lui để sống trong khung cảnh mà giờ đây anh chỉ có thể ước ao để được có một ngày như vậy. Hình ảnh êm-đềm của người thương binh trong ngày về đã chiếm cứ hồn anh, không những trong những cơn mơ về đêm mà ngay cả khi anh còn thức. Nó quyện trong anh như một men rượu ngon làm anh say đắm để mong quên đi một thực tại phủ-phàng. Một thực tại chua cay mà chỉ có ai sống trong hoàn cảnh của anh mới hiểu được thế nào là thế thái nhân tình do từ lòng người tạo dựng. Tuy bây giờ anh là môt thương binh, nhưng cũng chỉ còn biết sống trong hạnh phúc của một thương binh trong mộng tưởng, mà hình ảnh ngày về được thêu dệt trong lời lẽ gấm hoa của văn thơ, hay một nhạc điệu khoan thai của những lời ca mà anh chỉ có nghe chứ chưa bao giờ thấy trong hiện thực. Đôi lúc anh cũng thấy cái não-nùng làm rung động tim anh như âm điệu phai mờ từ cuộn băng đã nhão, cho dù rằng anh chẳng bao giờ đặt nặng cái tâm, cái tình hay cái lý cho những điều mà người ta thường trọng vọng. Anh vói tay điều chỉnh âm thanh nhỏ lại chỉ vừa đủ mình anh nghe, vì thằng nhỏ con anh nó vừa nghịch với cái máy hát mà anh còn giữ lại được bấy lâu nay. Thỉnh thoảng anh cũng hát theo, nhưng anh cũng vội ngưng ngay vì sợ nhỡ vợ anh nghe thấy thì sẽ có nhiều phiền phức. Nhất là anh không muốn phải nghe đi nghe lại những gì anh đã phải nghe từ vợ anh trong bấy lâu nay. Anh bị thương trở về đã nhiều năm nay, và nếu anh nhớ không lầm thì anh cũng đã ở nơi cái nhà kho nầy cũng trong khoảng thời gian ấy. Anh cũng chẳng biết phải tính như thế nào. Có lẽ cách tốt nhất là chấp nhận nó như một nghiệt ngã từ một định mệnh khắc khe mà anh không có khả năng thay đổi, hay một số phận không may như bao kẻ không nhà, mặc dầu anh không tin mấy vào những điều người ta cho rằng số phận của con người được sắp đặt bởi một đấng thiêng liêng mà con người thờ phụng bằng nhiều hình thức khác nhau. Anh chỉ còn biết tự an ủi là mình đã tự tạo cho mình cái hoàn cảnh hôm nay. Anh nhớ lúc trước dường như vợ anh cũng đã yêu anh lắm. Đúng ra anh đã lấy nàng vì nàng đã đeo đuổi mãi bên anh. Bây giờ nghĩ lại có lẽ nàng lấy anh không phải vì tình yêu chân thật mà bởi sự giàu sang cũng như quyền thế của gia đình anh. Nàng là một cô gái đẹp mà tất cả những nét đẹp trời cho đều lộ hẳn ra ngoài, cho nên nàng đã quyến-rũ được rất nhiều đàn ông con trai chỉ ham cái đẹp bề ngoài của một người con gái. Có một thời anh cũng đã say mê nàng vì nhan sắc đó. Tuy rằng mọi người trong gia đình anh, trong đó có anh, đều đã thấy rằng tính nết nàng không phải của một người đàn bà đức-hạnh. Nhưng tất cả đều đồng ý cưới nàng chỉ vì muốn cái đẹp của nàng làm hãnh-diện một giòng tộc mà gần như sự thành đạt của họ là tất cả những gì mà con người hằng mong.
Thế rồi chỉ trong một thời gian ngắn ngủi tất cả những gì anh đạt được, từ danh vọng đến của cải cùng quyền thế cao sang, đã không còn nữa. Chiến tranh cũng đã cướp đi cha mẹ, anh chị em cũng như hai cái chân, một cánh tay và một con mắt của anh. Nếu không nhờ số tài sản mà gia đình anh đã để riêng gởi bên nhà vợ để phòng hậu hoạn thì có lẽ giờ đây anh chỉ còn cách là lê lếch ra đường để ăn xin. Nay tuy anh vẫn còn người vợ và đứa con thơ, nhưng theo anh nghĩ người vợ xưa kia cũng chẳng khác gì đã mất đi từ nhiều năm về trước. Khi cả nhà anh bị tàn sát thì cũng may vợ anh lúc đó đang sinh đứa con đầu lòng còn nằm trong bệnh viện nên cả hai mẹ con nàng đều được thoát thân. Sau khi sinh nở thì vợ anh đã về bên ngoại trong khi anh vẫn còn nằm trị thương nơi quân y viện một mình. Khi xuất viện anh về bên nhà vợ thì anh mới hay vợ anh đã hoàn toàn thay đổi. Nàng đã không còn coi anh như một người chồng mà chỉ là một kẻ ăn hại làm khổ đời nàng khi nàng vẫn còn phơi-phới tuổi xuân. Không những nàng đối xử với anh rất tệ bạc mà còn phỉ-báng đủ điều với lời lẽ nhục mạ đê hèn mà anh không hiểu vợ mình đã học được từ đâu. Chỉ trong vòng một ngày mà nàng đã có thể cho anh nghe tất cả những gì thô-tục nhất trên đời. Từ cái khốn-nạn của những kẻ bần cùng cho đến lòng tham không đáy của những kẻ giàu sang, nàng đã réo gọi tổ-tiên anh từ trên trở xuống. Và thế rồi kể từ tối hôm đó anh đã phải ra cái nhà kho nầy để ở cho đến bây giờ. Nhưng dù sao thì anh cũng thấy mình còn được chút ít may-mắn vì đã không phải lê-lếch ra đường ăn xin như nhiều thương phế binh tàn phế khác. Có lẽ vì thế mà anh cũng thấy mình còn có được ít nhiều hạnh phúc cho dù cũng chỉ như bọt bèo sớm muộn rồi cũng sẽ tan đi.

Trời đổi cơn gió nhẹ. Anh xoay mình phủ thêm chiếc khăn cho thằng bé. Nhìn thằng nhỏ ngủ say anh không hiểu tại sao nó lại muốn theo anh đi ăn xin trong cảnh khốn cùng hơn là được ăn ở ấm no bên mẹ nó. Không biết vì nó thấy thương hại cho anh hay vì một tình cảm thiêng-liêng đã có sẳn trong nó tự bao giờ. Anh mong muốn dĩ-vãng đối với anh bây giờ chỉ không hơn một vết mờ trong ký ức, nhưng thực tế phủ phàng nặng trĩu cứ bám víu mãi bên anh. Làm sao anh có thể quên đi những gì mình đã có, và hơn nữa làm sao anh có thể quên đi thuở còn hạnh phúc bên người vợ mà anh đã từng say mê trong khi mỗi ngày anh phải nhìn thấy hình ảnh lạc loài của đứa con thơ. Tại sao mẹ nó lại làm như vậy thì anh cũng không muốn biết, nhưng nếu tự mình đem đến nỗi khổ cho một đứa con thơ thì làm sao anh không thấy đau lòng. Đêm đã khuya nên xe cộ trên đường cũng trở nên thưa thớt. Khu chợ vắng bóng người tạo thành hình tượng hoang vu. Tiếng kọt-kẹt của chiếc khung cửa gỗ đong đưa vọng về rõ hơn trong đêm vắng. Dưới ngọn đèm khuya có đôi chim đêm lặng-lẽ đậu bên mái hiên nhà.
Ở nơi nhà kho của mẹ vợ anh được một thời gian thì cái may mắn cũng như hạnh phúc bọt bèo mà anh ôm giữ bấy lâu cũng mai một đi nhanh. Rồi cho đến một ngày kia thì nó cũng đã không còn nữa, lúc mà vợ anh bảo từ nay anh phải đi xin ăn để tự tìm cái sống cho mình, vì những gì gia đình anh để lại nay đã không còn. Thật sự anh cũng không thể tưởng rằng đó là sự thật, vì theo anh được biết thì số tài sản gia đình anh gởi ở nhà mẹ vợ anh rất lớn. Nhưng dù muốn dù không anh cũng chẳng thể nói nên lời. Thế là từ đó anh phải lếch đi xin ăn mỗi ngày từ tờ mờ sáng, cho đến khi tối mịt anh mới dám quay về. Mẹ vợ rất thương anh nhưng sợ đứa con gái nên cũng chẳng biết làm sao hơn được. Thằng con trai nhỏ cũng thương và lo cho anh nhưng sợ mẹ đánh nên nó chỉ lén-lén đến với anh những khi mẹ đi vắng. Anh phải đưa tất cả tiền anh xin được cho vợ anh để mong nàng chăm sóc con anh. Rồi một thời gian sau cuối cùng thì sợi tơ hồng mong manh đã từng cột anh với người vợ anh đã từng đắm say rồi cũng đứt. Có một lần sau khi đi ăn xin về thì anh thấy cửa nhà kho đã bị khoá bằng một ổ khoá mới. Anh thẫn-thờ trách thầm tại sao ngày đó đã đến nhanh, vì thật sự anh cũng đã đoán được sớm muộn vợ anh cũng sẽ đuổi anh đi. Anh đã cố gắng ở lại một phần cũng vì đứa con nhỏ dại. Anh sợ một mai kia khi anh đi rồi không biết nó sẽ ra sao. Anh biết vợ anh muốn xua đuổi anh đi vì nàng muốn xây dựng cho mình một tương lai khác. Vì nàng than trách với trời đất cũng như mọi người rằng nàng còn quá trẻ để sống trong cảnh goá bụa con côi. Anh cũng chẳng biết nói gì hơn vì dù sao anh cũng còn sống sờ sờ ra đó. Nhưng đối với nàng anh không khác gì một bóng ma trơi. Tuy hằng ngày gặp nhau nhưng đối với nàng anh đã không còn tồn tại. Có một đôi lần nàng đã khẩn cầu như vậy ngay cả trước mặt anh. Anh chỉ lẳng lặng quay đi lệ rơi trong bóng tối. Anh cũng chẳng biết rằng mình có nên sống nữa hay không. Có một lần anh đã gheo mình vào con rạch nhỏ, nhưng anh cũng đã không dám tự giết mình nên cuối cùng anh cũng đã réo gọi để người ta vớt anh lên. Anh cũng không hiểu tại sao anh vẫn còn ham sống. Mà chỉ sống trong đắng-cay gian-khổ nhọc-nhằn. Mỗi lần anh muốn chết anh lại thấy hình ảnh con anh hiện về trong tâm trí. Anh không thể chết đi vì thằng bé còn quá dại khờ.

Trước khi anh ra đi anh tìm đứa con trai để nói với nó những điều anh thấy cần phải căn-dặn nó, nhưng mẹ vợ cho anh hay nó cũng đã bỏ đi từ chiều nay khi thấy mẹ nó dẫn một người đàn ông khác trở về. Thật sự thằng bé đã vô tình nghe mẹ nó và người đàn ông đó nói chuyện với nhau về việc muốn đuổi anh đi, cũng như thấy họ đã mướn người thay khoá mới. Đúng ra thì nó sợ theo cái sợ của kẻ con nên nó đã vội-vã ra đi để tìm anh nói cho anh nghe những gì nó biết. Thế rồi vì chẳng tìm gặp được anh rồi nó cũng đi lạc vào nơi chốn đông người. Nhiều lần nó cũng muốn trở về nhưng cũng chẳng biết phải làm sao. Nó có hỏi người ta nhưng không ai hiểu được những gì nó muốn nói. Có một lần người ta dẫn nó vào đồn cảnh sát để mong có ai giúp đỡ, nhưng vì sợ nó đã trốn đi, rồi từ đó nó cũng trở thành một đứa ăn mày. Nó đi lang-thang đầu đường xó chợ rày đây mai đó xin ăn để sống. Nay ngủ nơi vĩa hè mai ngủ nơi xó chợ dưới ngọn đèn khuya. Trong khi đó anh cũng lê-lếch đi ăn xin khắp nơi đồng thời mong tìm đứa con mà anh yêu quý. Nhưng ở nơi phố thị đông người thì phải biết tìm nơi đâu. Thật ra nhiều khi cha con anh cũng có lúc ăn xin ở những nơi gần nhau nhưng rồi lại vô-tình lại đi theo những hướng khác nhau vì thế rồi lại xa nhau để rồi lại phải đi tìm nhau như bóng với hình vòng quanh nơi cửa chợ. Có nhiều khi vì không tìm thấy con mình nơi phố thị đông người anh cũng đã thử lê-lếch đi tìm ở những nơi hẻo lánh ở ven biên. Ngày qua ngày vì phải chịu đựng nắng mưa hình hài con người anh đã trở nên gầy mòn thêm cho tấm thân tàn-phế. Ngày tháng qua đi rồi anh lại phải quay về để kiếm tìm con nơi thành thị, nơi mà theo anh nghĩ nếu con anh còn sống chắc phải quanh quẩn đâu đây. Có một hôm trời mưa tầm-tã khiến những người đi ăn xin như anh phải khốn-đốn vô cùng. Sau một ngày vất-vã thì anh cũng xin đủ cho mình một bữa ăn để tạm sống qua ngày. Lúc anh đang lếch vào cái xó mà anh ngủ hằng đêm để mong được nghỉ ngơi thì anh nghe thấy tiếng người la, rồi anh thấy một cái bóng nhỏ vượt qua nơi anh đang nằm xuống. Từ một giác quan vô hình anh biết rằng thằng bé đó là con anh. Anh cũng vôi kêu to lên, nhưng tiếng mưa đã át đi tiếng anh gọi tên thằng bé. Nó đã mất hút vào trong màn đêm dưới cơn mưa bao phủ. Dù sao thì anh cũng thấy mừng vì anh biết con anh vẫn còn sống. Hơn nữa anh biết nó cũng chỉ lẫn-quẫn đâu đây, vì tuổi thơ dại nó cũng không thể đi xa hơn. Thế là theo hướng nó vừa chạy qua anh lếch đi trong mưa gío để mong tìm lại nó.

Sau một thời gian thì người ta thấy nơi khu chợ người ăn xin quen thuộc nay lếch lê dẫn theo một đứa con nhỏ còn ngây thơ. Rồi sau một thời gian người ta cũng thấy nó bắt đầu hát theo cha nó bài dân ca thương binh của những người may mắn được trở về mái ấm gia đình trong sự đùm bọc của người thân. Thằng bé hát trong say mê, mĩm cười nhìn mọi người đi qua, rồi thỉng thoảng khuông mặt nó cũng trở nên rạng rỡ hân hoan khi thấy một tờ bạc được liệng nhanh vào chiếc nón

Vũ Bôi


Trang Trước Trang Sau Trang Chủ