Phận Bọt Bèo - Nguyễn văn B. T


Xua Đuổi Thương Phế Binh Ra Đường.

Nguồn tin từ Saigon cho hay, các gia đình sống tại Làng Phế Binh tạm cư ở nghĩa địa Phước Bình đã nhận được thông báo chính thức phải trả 42 triệu đồng Việt Nam (gần 3 ngàn đô la) để được lưu ngụ hoặc phải rời khỏi nơi chốn họ đã sống từ trên 31 năm qua, hạn chót để ra đi là cuối tháng 12.

Đây là một chấn động đối với những thương binh tàn tật trong cuộc chiến. Họ lê kiếp sống thừa vật vờ qua năm tháng nhưng tối thiểu còn có một nơi để ngã lưng dù tồi tàn về đêm.

Dưới đây là những giòng nước mắt tâm sự của một người lính bị tàn tật - bị thua trong một cuộc chiến.


Phận Bọt Bèo - Nguyễn văn B. T
Càng ngày thời tiết càng khắc nghiệt hơn. Mấy năm nay mưa lớn, gió to xảy ra triền miên nên thường sinh ra bảo lụt . Không hiểu sao quê hương tôi chịu đựng quá nhiều tai biến. Bao nhiêu năm bị đô hộ, bao nhiêu năm chiến tranh, biết bao nhiêu người gục xuống dưới những lằn tên mủi đạn. Biết bao nhiêu chiếc khăn tang chít lên đầu những cô nhi, quả phụ. Máu đào chảy khắp non sông, nước mắt úng tràn đất mẹ . Những cảnh máu đổ thịt rơi,xác người gom không đầy chiếc nón, chôn vội chôn vùi giửa núi cao rừng sâu đã làm Mẹ Việt Nam tuôn trào nước mắt. Những tưởng chấm dứt chiến tranh, con người sẽ được sống trong ấm no hạnh phúc, nhưng trớ trêu thay, chẳng những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn đối với những người dân lương thiện vốn nghèo lại càng khốn khó thêm . Đời nào cũng vậy, Kẻ nào càng nghèo mạc bao nhiêu thì giai cấp càng thấp hèn bấy nhiêu . Người giàu có, may mắn tranh nhau vượt biển vượt biên, người thất thời thì khăn gói lên đường gọi là học tập cải tạo, ráng sống còn để rồi đi HO sang Mỹ. Còn những thân phận bọt bèo của chúng tôi thì ngàn thu vẫn thế. Vẫn đói, vẫn nghèo, vẫn hèn, vẫn bị nguyền rủa, miệt thị, vẫn bị lãng quên, vẫn bị cho là làm bẩn mắt, vẫn bị cho là kẻ thù , vẫn bị cho là sống thừa và còn trăm ngàn cái đắng cay khác mà họ muốn trút lên đầu những người bất hạnh như chúng tôi. Đã 31 năm dài trôi qua, từ ngày Quân Lực miền Nam nghe lệnh bỏ súng, và cũng là ngày tôi được một người đồng cảnh cùng là thương bệnh binh dìu đở tôi ra khỏi Quân Y Viện một cách vội vàng trong lúc chân tôi máu vẫn còn đầm đìa vì mới cưa cắt hai hôm trước. Thế mà vẫn sống bên cạnh một người bạn lúc nào cũng ôm đùm ruột còn nằm trong bọc nylon đã đỗi màu đen thâm vì bụi đất mà chẵng có được một viên thuốc trụ sinh hay một lọ thuốc khử trùng. Hai đứa cùng tâm trạng là sợ gia đình buồn nên quyết định không về quê mà lang thang lếch thếch sống nhờ vào lòng từ tâm của những người còn kẹt ở lại ... Hai tháng sau, người bạn đời đã vĩnh viễn ra đi vì đùm ruột nhiểm độc nặng sưng to và sình thối . Ba ngày trước khi chết anh ấy rên la trăn trở dử lắm. Tuy chân tôi đã lành nhưng hoàn cảnh quá đói rách tôi cũng bó tay ngồi khóc nhìn bạn đau đớn ra đi không nhắm mắt. Xác bạn được sở vệ sinh đô thành đến cuộn trong bao nylon ném lên xe rác chở đi ...? Lúc đó tôi cầm lòng không được, tôi khóc thật lớn - biết bao nhiêu cặp mắt nhìn tôi đầy vẽ thương hại và hỏi thăm hoàn cảnh hai đứa tôi . Nhiều người tốt bụng giúp cho tôi một số tiền khuyên tôi hảy về quê với người thân dầu gì cũng có người săn sóc và cận kề mỗi khi trái gió trở trời . Lời bà con khuyên cũng đúng , nhưng với thân hình què quặt cụt 1 tay và 1 chân làm sao cha già mẹ yếu chịu nỗi cái cảnh nhìn con nát tan như tàu lá chuối...

Nhiều năm trôi qua, dạ cầu chử Y là nơi tá túc lý tưởng nhất của đám nghèo mạc cùng đinh của chúng tôi. Nhiều gia đình trốn từ kinh tế mới về chen chút nhau sống dài dọc dưới gầm cầu như một xóm thân quen kẻ ở góc nầy người ở góc nọ không vách rào nhưng không ai xâm phạm lảnh thổ của ai, tự chia đất lớn nhỏ theo đầu người không ai đòi hỏi hay thắc mắc gì , thương nhau lắm có lẽ vì cùng hoàn cảnh. Không hộ khẩu, không có bất cứ cái gì mà bình thường con người ở trên hoàn vũ nầy phải có ít nhất dù chỉ là cái giường nằm hay cái nhà tắm hoặc cầu tiêu để cho việc vệ sinh cá nhân.

Chúng tôi hoàn toàn chẳng có gì cả mà cái xóm tự lập nầy có thể lên đến mấy trăm con người lương thiện bị đẩy cuộc sống ra ngoài vòng pháp luật vì nghèo quá không còn gì để họ ngó ngàng đến. Sống đơn độc ngày ngày khập khểnh mưu sinh qua những trái tim từ ái của bá tánh cũng tạm qua ngày. Nhưng cuộc đời của những kẻ thua cuộc có bao giờ được bình yên để an phận đâu . Lâu lâu có 1 ngày làm đẹp lòng lề đường để tăng vẽ mỹ quan thành phố thì lũ chúng tôi trốn chui trốn nhủi, mấy anh ngồi vá xe đạp bị tịch thâu đồ nghề, các chị gánh hành rong bị rượt đuổi như bắt cướp thấy mà xót xa cho những người dân nghèo .

... Nhớ ngày nào còn trên chiến địa, bao năm xông pha đễ giử yên bờ cỏi. Có lẽ tại chúng tôi bị thương, tập thể thương binh chúng tôi rời tay súng nên mới xảy ra mất nước. Vì chúng tôi là những bia thịt ở tuyến đầu, còn các vị tư lệnh hay, Tổng Tham Mưu Trưởng hay Tổng Thống họ đánh giặc bằng mồm nhiều hơn nên không có những chục ngàn bia thịt của chúng tôi thì họ chạy làng, rồi ung dung sống sa hoa nơi xứ người không còn màng đến chúng tôi, những thân tàn ma dại mà họ đã từng ra lệnh Tổng Động Viên, bắt quân dịch v.v.. Chiến trận cũng như bàn cờ có lúc thắng lúc thua. Tôi không than thở vì mình phải thua, nhưng làm tướng phải chết theo thành chứ ai đâu mà chạy làng ra hải ngoại trước người ta với gia sản kếch xù đã chuẩn bị trước.

30 năm đơn độc có lắm khi mệt mỏi quá tối ngủ vùi ngoài bến xe, nhà ga hay sạp chợ. Cuộc sống đã quen và chai lỳ đối với mưa nắng gió sương. Ngày ngày vác bị chống nạng lếch thếch đi khắp mọi nơi để mưu sinh cầu thực. Một hôm tôi gặp lại người bạn cùng đơn vị, cũng phế binh, nhưng may mắn hơn là có vợ và 2 con sống trong một chòi lá nghèo nàn sơ xác. Nhìn thấy căn chòi lá xiêu vẹo, tơi tả được chèn vá bằng mấy tấm giấy thùng và bao ny lon dưới lùm cây trong nghĩa địa mà thương bạn vô cùng. Hai vợ chồng bạn mời gọi tôi về ở chung cho vui. Thoạt đầu tôi ngần ngại, sau đó tôi đồng ý về đó ở chung cho thêm phần ấm cúng. Ngay ngày đầu tiên tôi về ở chung trong nghĩa địa, có mấy anh em cũng là lính cũ cùng gia đình tá túc nơi ấy đến hỏi thăm tôi và có mời tôi một chung rượu đế gọi là buổi sơ giao của những con người không phải là công dân của một đất nước Đảng lảnh đạo nhà nước quản lý.


Từ đó trong xóm nhà lá không số ở nghĩa địa Phước Bình có tôi gia nhập sống chung với ma, những lúc hè nóng nực rủ nhau ngũ trên mã cho mát là thói quen của chúng tôi. Sáng sớm mạnh ai nấy bung ra đi kiếm sống. Tối về quay quần lại nấu ăn chung cho vui. Cuộc đời chúng tôi chỉ có thế mặc thế sự nhân tình có đổi thay, thay đổi thế nào đi chăng nửa chúng tôi cũng chẳng còn ham muốn gì hơn. Mới đó mà tôi đã về tá túc nghĩa trang gần sáu năm trời, thời gian qua cũng vùn vụt nhưng lắm khi uể oải trôi đi trong ngao ngán sự đời.

Chúng tôi là lũ người hạ cấp nhất đã bị bỏ quên bao nhiêu năm nay ở chốn địa ngục trần gian không còn bút mực nào viết hết được những đắng cay tủi nhục của một con người sống vào thế kỷ 21 này. Hôm qua được chủ nhà tốt bụng ở xóm bên kia nghĩa trang cho chúng tôi mượn địa chỉ liên lạc Hội cứu trợ TPB, nhắn hôm nay người giao tiền do Hội gởi sẽ trở lại xem đúng người mới giao tiền . Nôn nóng cả đêm không ngũ được, mới tờ mờ sáng hai chúng tôi đã chực chờ bên hiên nhà người cho mượn địa chỉ. Đến trưa chiếc xe HonDa chở 2 người dừng lại, tìm gặp hai đứa tôi và trao cho mỗi người chín trăm bảy mươi ba ngàn, may mắn cho chúng tôi quá đúng lúc quê mình đã bắt đầu vào mưa cần để sữa nhà và mùa mưa khó kiếm sống lắm.

Nhờ có chút tiền chúng tôi mua lá về che thêm cho kín gió kín mưa. Nhờ cho số tiền to lớn đó tôi nhờ một cháu trong xóm nhà không số trên chuyến đi buôn trên xe lữa ghé thăm ba mẹ tôi và tôi gởi biếu ông bà bảy trăm ngàn đồng và nhắn nhủ rằng tôi đi làm ăn xa, sắp về xứ lại thời gian không xa lắm và thăm hỏi sức khoẻ tưng người trong gia đình. Lá thư tôi viết lung tung bởi rối bời trong lòng vì xúc động thương cha nhớ mẹ từ ngày ấy đến nay. Hai hôm sau cháu bé đi bán hàng đã về, em chạy lại cho tôi hay là Ba tôi đã mất từ lâu còn Mẹ tôi mắt mờ đi đứng run rẩy phải chống gậy không đi xa được. Tôi la Trời lên, tay đấm ngực khóc ròng chỉ vì mặc cảm cụt què không về để rồi Cha chết không hay, Mẹ già không ai săn sóc. Lão đão, cố đứng lên đi từ biệt từng người để về quê phụng dưởng Mẹ già. Tội nghiệp những con người không hộ khẩu, không có giấy chứng minh nhân dân đã chắt mót, gom góp biếu tặng cho tôi một số tiền làm lộ phí về quê nuôi Mẹ. Tôi ra đi trong giọt ngắn giọt dài, vừa khóc thương Mẹ nhớ Cha vừa khóc cho tình người trong nghỉa địa nghèo nàn nhưng đầy ấp tình thương.,..

Khập khểnh quanh co, nhiều thay đổi nên phải hỏi thăm mới tới được nhà mình. Tôi nhào lại ôm mẹ tôi khóc không ngưng, Mẹ tôi quỵ mọi xuống ôm con khóc không ra tiếng, Mẹ nói Mẹ và cả nhà tưởng tôi đã chết trong những ngày cuối cùng triệt thoái cao nguyên. Hai Mẹ con ôm nhau khóc mấy tiếng đồng hồ , chòm xóm hay tin chạy sang chút mừng đoàn tụ cũng ngồi khóc theo khi nghe tôi tường thuật lại bao năm sống bụi bờ. Mẹ tôi vừa khóc vừa nói : “ Tội tình gì con ơi ! " . Bác Tư kế nhà vỗ vai tôi khuyên nhủ và nói thôi mọi chuyện đã rồi, nay lo cho những ngày kế tiếp. Tôi đứng dậy tựa vào cột nhà cám ơn bác Tư và bà con chòm xóm đã đến chia xẻ với gia đìmh tôi. Mọi sự lắng dịu chưa đầy mươi phút, có Ông Công An Khu Vực đến hỏi tôi chứng minh nhân dân và giấy tạm vắng tạm trú. Tôi hơi bàng hoàng vì làm gì tôi có. Ông Công An nói tiếp rằng : " Anh không có các giấy tờ trên thì coi như anh là người sống ngoài vòng pháp luật, mọi người phải biết rằng nếu không có chứng minh nhân dân tức là không có quyền công dân , tôi mời anh theo tôi về Công An Xả để xử Lý ...”

Ngoài trời gió mưa mù mịt, lòng tôi tái tê khi thấy Mẹ tôi quỳ khóc, van xin, lạy lục trước sự chứng kiến của bà con chòm xóm. Tôi lếch thếch chống nạn đi theo Ông Công An với cỏi lòng tái tê chết lặng mà quên cả ngoài trời đang cơn mưa giông gió lớn . Tôi không dám quay lại nhìn mẹ, vì tôi không còn đủ can đảm...

... Ông Công An lấy tấm cao su trùm lên người đi phăng phăng phía trước thỉnh thoảng quay lại hối tôi “ Nào ! đi nhanh lên... " ...


"Mẹ ơi, con mẹ chưa già,
Giữ quê quê mất, giữ nhà nhà tan"
Hà Huyền Chi)


Trang Trước Trang Sau Trang Chủ