Dư Âm Về Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh V.N.C.H.” Tại Montreal, Canada...

Không như phần lớn những chương trình đại nhạc hội khác, một khi đã qua đi gần như còn được rất ít người nhắc đến. Nếu có, chỉ ở một hai điểm hoặc tiết mục đặc biệt nào đó. Nhưng với đại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH”, sự việc đã xẩy ra khác hẳn, với những phản hồi tốt đẹp mà ngay chính ban tổ chức là “Quỹ Trẻ Em Mồ Côi” ( “The Handicapped And Orpans Fund”) cho biết họ cũng không mong đợi như vậy. Sự kiện đặc biệt đó đã là nguyên nhân có mặt của bài viết này, được thực hiện vào 3 tuần sau khi đại nhac hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” diễn ta tại rạp Olympia ở Montreal vào tối Thứ Bảy 29 tháng 09 năm 2007 vừa qua.

Cần xác định, bài viết này không phải là một bài tường thuật với thứ tự, lớp lang diễn tiến của chương trình. Nó chỉ là một số ghi nhận về dư âm của một chương trình đại nhạc hội đáng được coi như thành công nhất tại Montreal trong năm 2007, tính đến khi bài viết đến tay bạn đọc. Hoặc ít nhất “Cám Ơn Anh” ( tên ngắn gọn của những chương trình đại nhạc hội có mục đích giúp đỡ những thương binh VNCH ở quê nhà, được phát động vào mùa hè năm 2006 tại nam California. Sau đó với nhiều hưởng ứng, đã được tổ chức tại nhiều nơi khác, mới đây nhất là Montreal ) cũng vượt trôi hơn cả những chương trình khác tổ chức trong tháng 09 ở Montreal, là tháng có nhiều shows nhất trong năm.

Sự thành công của “Cám Ơn Anh” không phải chỉ ở kết quả là số tiền $ 24,451.54 quyên được từ những nhà hảo tâm, mạnh thường quân bảo trợ hay sự đóng góp tại rạp của gần 1400 khán giả có mặt. Sự thành công của “Cám Ơn Anh” còn đến từ rất nhiều yếu tố khác. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự tôn trọng khán giả. Sự tôn trọng ở đây mang một ý nghĩa rộng lớn, liên quan đến khá nhiều vấn đề khác. Như khai diễn tương đối đúng giớ chẳng hạn. Khán giả đến với “Cám Ơn Anh” với một ý thức cao, đã có mặt tham dự rất đúng giờ. Về phần ban tổ chức, lần này đã khai mạc chương trình sau 15 phút so với thời gian ấn định là 7 giờ 30..Trễ 15 phút là một điều đáng khen và được coi như một sự tôn trọng khán giả khi ban tổ chức đã không sử dụng... “giờ cao su”, thường được coi như một...truyền thống! Hơn nữa, khán giả đã không sốt ruột với những tiết mục diễn ra không được liên tục khi “Cám Ơn Anh” có được một nhóm phụ trách phía sau hậu trường rất hữu hiệu. Thêm vào đó là sự xếp đặt và bố trí chương trình đâu vào đó của MC Nam Lộc, một trong những người đề xướng ra chương trình đại nhạc hội ”Cám Ơn Anh” mà cho đến nay không thể vắng mặt trong những chương trình mang chủ đề này. Ý thức được trình độ thưởng thức càng ngày càng cao của khán giả, vấn đề thiết lập một hệ thống âm thanh và ánh sáng thật hiệu quả đã được ban tổ chức đặt lên hàng đàu. Với chủ trương chấp nhận chi phí tốn kém để thực hiên một chương trình mang chất lương cao về mọi mặt, ban tổ chức đã giao phần đảm trách âm thanh và ánh sáng cho công ty Premier Productions. Công ty này do chuyên viên âm thanh nổi tiếng Việt Anh thành lập, từ California bay sang để tăng cường cho những chuyên viên kỹ thuật nhà nghề vốn đã có rất nhiều kinh nghiệm của rạp Olympia. Nhờ vậy, khán giả đã rất hài lòng khi được nghe nghệ sĩ trình bầy những tiết mục của mình rất rõ ràng, sắc nét. Không một tiếng “hú” hay “xì” gây nên những cái nhăn mặt hay những tiếng chậc lưỡi khó chịu. Thêm vào đó là nghệ thuật điều chỉnh ánh sáng linh động, tạo nên một sự hài hòa, lôi cuốn được sự chăm chú theo dõi của tất cả khán giả. Họ cảm thấy mình được tôn trọng. Thực tế và cụ thể hơn là cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra, dù với mục đích từ thiện, để tham dự một chương trình có một giá trị và ý nghĩa thật sự.

Về phần chương trình, cho đến một hai ngày trước khi viết bài này, người viết còn được nghe nhiều dư âm về đại nhạc hội “Cám Ơn Anh”. Chỉ riêng về mặt những diễn viên tài tử là những thiện nguyện viên trẻ tuổi góp măt trong chương trình cũng đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Các cháu sinh viên trẻ tại Montreal đã phải bỏ nhiều công sức và thì giờ ra để được anh Xuân ( trong lực lương Quân Cảnh VNCH trước kia ) và anh Dương Tâm Chí ( kỹ sư Hydro Quebec ) hướng dẫn một số lễ nghi quân cách về nghi thức chào Quốc Kỳ. Để được hoàn chỉnh, ban tổ chức đã phải thuê mướn nhiều bộ quân phục, súng, vv...để trang bị cho các cháu. Với một chương trình mang ý nghĩa cao đẹp như thế, cùng với sự đóng góp nhiệt tình của thế hệ sau, ban tổ chúc cho ràng nếu được các bác, các chú trong những hội đòan liên quan đến quân dội VNCH giúp cho một tay thì quí hóa biết chừng nào. Chính người viết đã được nghe một người bạn thổ lộ là khi nhìn hình ảnh những em thiếu nhi mặc quân phục trên sân khấu, anh đã thấy lại hình ảnh của mình ngày xưa khi khóac trên người bộ quần áo chiến binh. Cũng người bạn này cùng với nhóm của anh đều tỏ ra rất hãnh diện với sự có mặt của đại úy Mỹ gốc Việt trẻ tuổi Michael Đo trên sân khấu, phía sau là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới tại nơi đồn trú của em ở chiến trường Iraq. Nhóm bạn này cũng như nhiều người khác mà người viết có dịp gặp những ngày sau cũng cho biết họ không thể dấu được tâm trạng bùi ngùi va xúc cảm khi nghe lời phát biểu ngắn gọn của nhà vàn Phan Nhật Nam, tác giả của tập phóng sự chiến trường “:Mùa Hè Đỏ Lửa”. Người tham dự cũng rất chú ý đến nhạc cảnh “Anh Về Thủ Đô” với phần phụ diễn của gần 30 thân hữu, sinh viên, học sinh và thiếu nhi Montreal, đã mở đầu cho chương trình đại nhạc hội “Cám Ơn Anh”. Sự xúc động đã được nhận thấy rõ ràng qua ánh mắt, qua những lời khen ngợi đã là một phần thưởng xứng đáng cho tất cả những người góp mặt trong tiết mục này, trên một sân khấu được trang trí công phu với những vật dụng và sản phẩm thủ công nghệ thuần túy Việt Nam. Nhìn kỹ, người ta sẽ nhận ra đó là những tấm tranh lụa Hội An vẽ bằng tay và viết bằng nghệ thuật Thư Pháp. Cạnh đó là những chậu hoa tươi tuyệt đẹp của tiệm hoa Laurier và một số tranh do họa sĩ Nguyễn Tài cung cấp. Đó là những chi tiết về phông và cảnh trí rất ít được những nhà tổ chức trước đó quan tâm tới.

Gợi được những cảm xúc và những lời khen nơi người tham dự cũng là phần thưởng tinh thân rất lớn dành cho công trình dàn dựng và điều hợp của Bùi Xuân Huy cũng như Thanh Hương, là người trình bầy nhạc phẩm “Anh Về Thủ Đô”. Thêm một chi tiết của phần dàn dựng tiết mục nhạc cảnh này là những video clips về một số màn diễn binh của các binh chủng VNCH trong một ngày lễ Quốc Khánh để vinh danh những chiến sĩ thuộc quân lực VNCH. “Chẳng thua gì những tay nhà nghề”, đó là lời nhạn xét của nhiều người về công trình dàn dựng nhạc cảnh này.

Cũng liên quan đến sự đóng góp của các khuôn mặt trẻ thuộc thế hệ sau, người ta không thể quên được hình ảnh của khoảng 10 em thiếu nhi trong lứa tuổi 13, 14 đã hoàn tất vai trò một cách đáng khen trong 2 màn vũ do nhạc sĩ Minh Điện điều hợp. Đó là màn vũ áo dài và nón lá phụ diễn cho tiết mục của Băng Tâm với nhạc phẩm “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy” và phần trình diễn của Trish với nhạc phẩm “Tình Lính”.

Được thấy sự đóng góp của các thiện nguyện viên, của các em sinh viên, học sinh cũng như thiêu nhi, người viết đã nẩy ra ý đặt tựa bài viết này là “Cám Ơn Anh, Cám Ơn Người”. “Cám Ơn Anh” dĩ nhiên được hiểu như lời tri ân đến các thương phế binh VNCH mà buổi đại nhạc hội mang cùng chủ đề này đã thực hiện. “Cám Ơn Người” không gì khác hơn là lời cảm ơn những người đã đóng góp cho sự thành công lớn lao của chương trình đại nhạc hội. “Người” cũng không ai khác hơn là các thiện nguyện viên, những em sinh viên, học sinh đã nhắc tới ở trên. “Người” cũng không phải ai xa lạ mà là những nghệ sĩ đã mang đến cho người thưởng thức những khả năng chuyên môn của họ bằng tất cả tâm hồn qua nhiều thể lọai nhạc, qua nghệ thuật điều khiển chương trình hay qua nghệ thuật diễn xuất. Ngoài ra họ còn đóng góp một cách cụ thể hơn nữa là giảm bớt thù lao của mình cho ban tổ chức để giảm phần nào chi phí. Và “ Người” còn chính là thành phần rất quan trọng cho một buổi trình diễn. Đó là khán giả. Gần 1400 người hiện diện trong đại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” thật xứng đáng với những lời cám ơn chân thành nhất của những người có cùng mục đích làm vơi một phần nào hòan cảnh khó khăn và thiếu thốn của những thương phế binh tại quê nhà. Những lời cám ơn như thế cũng vẫn chưa đủ so với cô Thái Hà, đại diện cho ban tổ chức, trong phần phát biểu ở phần đầu chương trình.

Cô Thái Hà, đại diện cho ban tổ chức đã rất khiêm nhượng khi tuyên bố rằng sự thành công của chương trình “Cám Ơn Anh” không phải do một mình cô hay tổ chức The Handicapped and Orphans Fund tạo nên được. Ngoài lời cám ơn tương tự nhu trên, cô còn nhấn mạnh thêm sự thành công khó lòng có dược nếu không nhờ vào sự đóng góp của tất cả những ân nhân bảo trợ từ khắp nơi, nhờ vào những hội đòan địa phương xa gần như Gia Đình Mũ Đỏ Canada, Hội Phụ Nữ VN vùng Montreal, Trung Tâm Văn Hóa Giáo Dục Hồng Đức, vv...hoặc các Cộng Đồng Người Việt tại New York, Washington,D.C., Toronto, Dallas, vv...Ngòai ra cô còn cám ơn sự yểm trợ rất nhiệt tình của các cơ sở truyền thông địa phương và Bắc Mỹ như các trang báo điện tử, Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam Hải Ngọai, Hệ Thống Truyền Hình SBTN, vv...Riêng SBTN đã phát hình tòan bộ chương trình “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” đến khán thính giả khắp nơi 2 tuần sau khi tổ chức.

Dư âm về chương trình đại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thuơng Binh VNCH” cho đến hôm nay vẫn còn vang dội trong lòng mọi người, kể cả những người không có mặt nhưng có dịp theo dõi toàn bộ với buổi phát hình của hệ thống truyền hình SBTN vào trung tuần tháng 10 vừa qua. Tiếng hát Lệ Thu như vẫn còn văng vẳng đâu đây với những tiếng vỗ tay tưởng như không bao giờ dứt của khán giả. Với Montreal, Lệ Thu vẫn luôn là một tiếng hát được khán giả dành cho nhiều ưu ái, kể từ khi chị đến với thành phố này hai mươi mấy năm trước. Sau 3 tháng lưu lại Việt Nam với những buổi diễn luôn thành công trọn vẹn, Lệ Thu đã trở về với khán giả hải ngọai với buổi trình diễn đầu tiên tại Montreal, trong chương trình “Cám Ơn Anh”. Vẫn với một phong cách sang cả, vẫn một một giọng hát tuyệt vời, Lệ Thu của bây giờ vẫn là một Lệ Thu của ngày xưa, dù khoảng thời gian cách biệt quả có dài. Lệ Thu tâm sự với ngừoi viết:” Thật là Thu cảm động quá! Thu không ngờ là khán giả Montreal vẫn dành cho Thu nhiều cảm tình đến như vậy!”.

Một tiếng hát thuộc thế hệ sau Lệ Thu cũng nhận được những tràng pháo tay thật vang dội từ người thưởng thức là Ngọc Hạ. Nhỏ người nhưng mạnh tiếng. Đó là nhận xét của mọi người có mặt trong chương trình “Cám Ơn Anh” hôm đó. Mạnh lại còn cao. Đã cao lại còn sắc xảo trong những thể lọai nhạc không phải có thể trình bầy một cách dễ dàng, nếu không co bản lãnh. Ngọc Hạ đã cho thấy được hết khả năng của cô trong lần trình diễn đó. Băng Tâm và Đặng Thế Luân lần đầu tiên đến Montreal cũng đã được mọi người chào đón nhiệt tình. Còn Y Phụng, cũng trình diễn lần đầu trước khán giả ở đây, đã gây đuợc khá nhiều cảm tình. Thiên Kim càng ngày càng vững chắc và linh động hơn. Trong khi đó, Công Thành và Lyn cũng như Quang Minh và Hồng Đào đã mang đến cho khán giả nhiều giây phút vui tươi, những tràng cười thú vị. Còn Quỳnh Hương, cô đã làm tròn nhiệm vụ vừa là một ca sĩ có giọng hát nhẹ nhàng, vừa là một MC duyên dáng bên cạnh một Nam Lộc, khi thì thật điềm đạm, lúc thì thật linh họat. .Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến tiết mục trình diễn của Thái Hà. Nhắc đến chỉ bằng một cách rất ngắn gọn: có nhiều tiến bộ, nhất là phong cách trình diễn. Còn với khả năng tổ chức và điều động của cô thì chắc cũng phải dành cho Thái Hà một lời cám ơn với những gì cô đã thực hiện được, một cách rất nhà nghề, qua chương trình “Cám Ơn Anh”...

KỲ VU

Trang Sau Trang Chủ